Phá sản là hệ quả tất yếu đối với những doanh nghiệp/hợp tác xã không đủ năng lực sau quá trình kinh doanh, cạnh tranh và đào thải của nền kinh tế thị trường. Hiện tượng này không chỉ đánh dấu sự chấm dứt hoạt động của chủ thể kinh doanh mà còn có khả năng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều chủ thể có liên quan như chủ nợ, người lao động,… Do đó, hoạt động phá sản cần phải tuân thủ khuôn khổ pháp lý nhất định để thực hiện một cách hài hòa, đảm bảo lợi ích của các bên cũng như nguyên tắc của nền kinh tế thị trường. Về khía cạnh luật pháp, hiện nay tồn tại hệ thống quy phạm pháp luật quy định và hướng dẫn chi tiết các vấn đề xoay quanh hoạt động phá sản, như điều kiện, trình tự, thủ tục để thực hiện phá sản,… Trong đó, nhóm quy định về thủ tục phá sản là nội dung cơ bản của hệ thống quy định pháp luật này bởi vì đây là hoạt động trọng tâm cần thực hiện khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán.