KHÁI QUÁT CÁC LOẠI THUẾ TẠI VIỆT NAM (Phần 2/2)

KHÁI QUÁT CÁC LOẠI THUẾ TẠI VIỆT NAM (Phần 2/2)

Ngày đăng: 01/12/2024 04:18 PM
    KHÁI QUÁT CÁC LOẠI THUẾ TẠI VIỆT NAM (Phần 2/2)

    2.3.Thuế thu nhập cá nhân

    2.3.1 Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế đánh vào một số khoản thu nhập cao chính đáng của cá nhân, nhằm thực hiện việc điều tiết thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, góp phần thực hiện công bằng xã hội về thu nhập và góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
    2.3.2 Thu nhập chịu thuế bao gồm:
    a,Thu nhập từ kinh doanh (không bao gồm thu nhập của cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống), bao gồm:
    • Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ;
    • Thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.
    b, Thu nhập từ tiền lương, tiền công, bao gồm:
    • Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;
    • Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản: phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công; phụ cấp quốc phòng, an ninh; phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật; trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động; trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ.
    c, Thu nhập từ đầu tư vốn, bao gồm:
    • Tiền lãi cho vay;
    • Lợi tức cổ phần;
    • Thu nhập từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác, trừ thu nhập từ lãi trái phiếu Chính phủ.
    d, Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, bao gồm:
    • Thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn trong các tổ chức kinh tế;
    • Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán;
    • Thu nhập từ chuyển nhượng vốn dưới các hình thức khác.
    e, Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, bao gồm:
    • Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất;
    • Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở;
    • Thu nhập từ chuyển nhượng quyền thuê đất, quyền thuê mặt nước;
    • Các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản dưới mọi hình thức.
    f, Thu nhập từ trúng thưởng, bao gồm:
    • Trúng thưởng xổ số;
    • Trúng thưởng trong các hình thức khuyến mại;
    • Trúng thưởng trong các hình thức cá cược;
    • Trúng thưởng trong các trò chơi, cuộc thi có thưởng và các hình thức trúng thưởng khác.
    g, Thu nhập từ bản quyền, bao gồm:
    • Thu nhập từ chuyển giao, chuyển quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ;
    • Thu nhập từ chuyển giao công nghệ.
    h, Thu nhập từ nhượng quyền thương mại.
    i, Thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.
    k,Thu nhập từ nhận quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.
    2.3.3 Thu nhập được miễn thuế bao gồm:
    a, Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.
    b, Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất.
    c, Thu nhập từ giá trị quyền sử dụng đất của cá nhân được Nhà nước giao đất.
    d, Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.
    e, Thu nhập của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường.
    f,Thu nhập từ chuyển đổi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao để sản xuất.
    g, Thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
    h, Thu nhập từ kiều hối.
    i, Phần tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương làm việc ban ngày, làm trong giờ theo quy định của pháp luật.
    j, Tiền lương hưu do Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả; tiền lương hưu do quỹ hưu trí tự nguyện chi trả hàng tháng.
    k, Thu nhập từ học bổng, bao gồm:
    • Học bổng nhận được từ ngân sách nhà nước;
    • Học bổng nhận được từ tổ chức trong nước và ngoài nước theo chương trình hỗ trợ khuyến học của tổ chức đó.
    l, Thu nhập từ bồi thường hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, tiền bồi thường tai nạn lao động, khoản bồi thường nhà nước và các khoản bồi thường khác theo quy định của pháp luật.
    m, Thu nhập nhận được từ quỹ từ thiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hoặc công nhận, hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, không nhằm mục đích lợi nhuận.
    n, Thu nhập nhận được từ nguồn viện trợ nước ngoài vì mục đích từ thiện, nhân đạo dưới hình thức chính phủ và phi chính phủ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
    o, Thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam làm việc cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế.
    p, Thu nhập của cá nhân là chủ tàu, cá nhân có quyền sử dụng tàu và cá nhân làm việc trên tàu từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp phục vụ hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ.
    2.3.4 Đối tượng nộp thuế:
    a, Cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong và ngoài lãnh thể Việt Nam. Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau: (i) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam; (ii) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường  trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.
    b, Cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.

    2.4. Thuế tiêu thụ đặc biệt

    2.4.1 Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế đánh vào một số loại hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, cần điều tiết mạnh nhằm hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng. Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ thu ở khâu sản xuất/cung ứng/ nhập khẩu.
    2.4.2 Đối tượng chịu thuế: gồm 10 nhóm hàng hóa và 6 nhóm dịch vụ
    a, Hàng hóa tiêu thụ tại Việt Nam:
    • Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm;
    • Rượu;
    • Bia;
    • Xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng;
    • Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3;
    • Tàu bay, du thuyền;
    • Xăng các loại;
    • Điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống;
    • Bài lá;
    • Vàng mã, hàng mã.
    b, Dịch vụ đặc biệt cung cấp trên lãnh thổ Việt Nam:
    • Kinh doanh vũ trường;
    • Kinh doanh mát-xa (massage), ka-ra-ô-kê (karaoke);
    • Kinh doanh ca-si-nô (casino); trò chơi điện tử có thưởng bao gồm trò chơi bằng máy giắc-pót (jackpot), máy sờ-lot (slot) và các loại máy tương tự;
    • Kinh doanh đặt cược;
    • Kinh doanh gôn (golf) bao gồm bán thẻ hội viên, vé chơi gôn;
    • Kinh doanh xổ số.
    2.4.3 Đối tượng không chịu thuế bao gồm:
    a, Hàng hóa do cơ sở sản xuất, gia công trực tiếp xuất khẩu hoặc bán, ủy thác cho cơ sở kinh doanh khác để xuất khẩu;
    b, Hàng hóa nhập khẩu bao gồm:
    • Hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại; quà tặng cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, quà biếu, quà tặng cho cá nhân tại Việt Nam theo mức quy định của Chính phủ;
    • Hàng hóa vận chuyển quá cảnh hoặc mượn đường qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam, hàng hóa chuyển khẩu theo quy định của Chính phủ;
    • Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu và tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu không phải nộp thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu trong thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
    • Đồ dùng của tổ chức, cá nhân nước ngoài theo tiêu chuẩn miễn trừ ngoại giao; hàng mang theo người trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế; hàng nhập khẩu để bán miễn thuế theo quy định của pháp luật;
    c, Tàu bay, du thuyền sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, khách du lịch và tàu bay sử dụng cho mục đích an ninh, quốc phòng;
    d, Xe ô tô cứu thương; xe ô tô chở phạm nhân; xe ô tô tang lễ; xe ô tô thiết kế vừa có chỗ ngồi, vừa có chỗ đứng chở được từ 24 người trở lên; xe ô tô chạy trong khu vui chơi, giải trí, thể thao không đăng ký lưu hành và không tham gia giao thông;
    e, Hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan, hàng hoá từ nội địa bán vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan, hàng hoá được mua bán giữa các khu phi thuế quan với nhau, trừ xe ô tô chở người dưới 24 chỗ.
    2.4.5 Đối tượng nộp thuế:
    a, Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
    b, Trường hợp tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuất khẩu mua hàng hoá thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt của cơ sở sản xuất để xuất khẩu nhưng không xuất khẩu mà tiêu thụ trong nước thì tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuất khẩu là người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

    2.5. Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

    2.5.1nThuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là khoản tiền mà các tổ chức, cá nhân nộp cho nhà nước khi có hành vi dịch chuyển hàng hóa qua biên giới quốc gia đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định pháp luật.
    Đối tượng chịu thuế bao gồm:
    • Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.
    • Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước.
    • Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối.
    2.5.2 Đối tượng không chịu thuế bao gồm:
    • Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển;
    • Hàng hóa viện trợ nhân đạo, hàng hóa viện trợ không hoàn lại;
    • Hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác;
    • Phần dầu khí được dùng để trả thuế tài nguyên cho Nhà nước khi xuất khẩu.
    2.5.3 Đối tượng nộp thuế: Các tổ chức, cá nhân có hành vi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế xuất, nhập khẩu
    • Chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
    • Tổ chức nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu.
    • Người xuất cảnh, nhập cảnh có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, gửi hoặc nhận hàng hóa qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.
    • Người được ủy quyền, bảo lãnh và nộp thuế thay cho người nộp thuế, bao gồm: Đại lý làm thủ tục hải quan;
    • Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế;
    • Tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác trong trường hợp bảo lãnh, nộp thuế thay cho người nộp thuế;
    • Người được chủ hàng hóa ủy quyền trong trường hợp hàng là quà biếu, quà tặng của cá nhân; hành lý gửi trước, gửi sau chuyến đi của người xuất cảnh, nhập cảnh;
    • Chi nhánh của doanh nghiệp được ủy quyền nộp thuế thay;
    • Người khác được ủy quyền nộp thuế thay;
    • Người thu mua, vận chuyển hàng hóa trong định mức miễn thuế của cư dân biên giới nhưng không sử dụng cho sản xuất, tiêu dùng mà đem bán tại thị trường trong nước và thương nhân nước ngoài được phép kinh doanh hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở chợ biên giới.
    • Người có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế nhưng sau đó có sự thay đổi và chuyển sang đối tượng chịu thuế theo quy định.
    2.5.4 Ngoài ra, trong trường hợp đặc biệt, một số loại thuế nhập khẩu bổ sung có thể được áp dụng như:
    • Thuế chống bán phá giá là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
    • Thuế chống trợ cấp là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được trợ cấp nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
    • Thuế tự vệ là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp nhập khẩu hàng hóa quá mức vào Việt Nam gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

    2.6. Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

    a, Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là loại thuế thu hàng năm, đánh vào tài sản cố định vô hình là quyền sử dụng đất phi nông nhiệp.
    b, Đối tượng chịu thuế là đất sử dụng vào mục đích để ở hoặc để sản xuất kinh doanh:
    • Đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị.​
    • Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp bao gồm: đất xây dựng khu công nghiệp; đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh; đất khai thác, chế biến khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm.​
    • Đất phi nông nghiệp khác sử dụng vào mục đích kinh doanh.
    c, Đối tượng không chịu thuế là đất phi nông nghiệp sử dụng không vào mục đích kinh doanh bao gồm:
    • Đất sử dụng vào mục đích công cộng bao gồm: đất giao thông, thủy lợi; đất xây dựng công trình văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao phục vụ lợi ích công cộng; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất xây dựng công trình công cộng khác theo quy định của Chính phủ;
    • Đất do cơ sở tôn giáo sử dụng;
    • Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa;
    • Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng;
    • Đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ;
    • Đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;
    • Đất phi nông nghiệp khác theo quy định của pháp luật.
    d, Đối tượng nộp thuế: cá nhân, tổ chức có quyền sử dụng hoặc trực tiếp sử dụng đất phi nông nghiệp.

    2.7. Thuế bảo vệ môi trường

    a,Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng sẽ gây tác động xấu đến môi trường; đánh một lần ở khâu sản xuất hoặc khâu nhập khẩu đối với hàng hóa chịu thuế.
    b, Đối tượng chịu thuế:
    • Xăng, dầu, mỡ nhờn (xăng, trừ etanol; nhiên liệu bay; dầu diezel; dầu hỏa; dầu mazut; dầu nhờn; mỡ nhờn);
    • Than đá (than nâu; than antraxit; than mỡ; than đá khác);
    • Dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC);
    • Túi ni lông thuộc diện chịu thuế;
    • Thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng;
    • Thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng;
    • Thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng;
    • Thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng.
    c, Đối tượng không chịu thuế:
    • Hàng hóa vận chuyển quá cảnh hoặc chuyển khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam theo quy định của pháp luật, bao gồm hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu qua cửa khẩu Việt Nam nhưng không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam; hàng hóa quá cảnh qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam trên cơ sở Hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước ngoài hoặc thỏa thuận giữa cơ quan, người đại diện được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước ngoài ủy quyền theo quy định của pháp luật;
    • Hàng hóa tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu trong thời hạn theo quy định của pháp luật;
    • Hàng hóa do cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu, trừ trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường để xuất khẩu.
    d, Đối tượng nộp thuế:
    • Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế;
    • Người nhận ủy thác nhập khẩu trong trường hợp ủy thác nhập khẩu hàng hóa;
    • Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm đầu mối thu mua trong trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm đầu mối thu mua than khai thác nhỏ, lẻ mà không xuất trình được chứng từ chứng minh hàng hóa đã được nộp thuế bảo vệ môi trường.

    2.8. Thuế tài nguyên

    a, Là loại thuế thu vào hoạt động khai thác tài nguyên thuộc tài sản quốc gia của tổ chức, cá nhân. Hay nói cách khác, thuế tài nguyên thu trên tài nguyên thiên nhiên do Nhà nước đại diện chủ sở hữu; thu trên sản lượng và giá trị thương phẩm của tài nguyên khai thác, không phụ thuộc vào mục đích khai thác tài nguyên.
    b, Đối tượng chịu thuế:
    • Khoáng sản kim loại.
    • Khoáng sản không kim loại.
    • Dầu thô.
    • Khí thiên nhiên, khí than.
    • Sản phẩm của rừng tự nhiên, trừ động vật.
    • Hải sản tự nhiên, bao gồm động vật và thực vật biển.
    • Nước thiên nhiên, bao gồm nước mặt và nước dưới đất, trừ nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp.
    • Yến sào thiên nhiên.
    • Tài nguyên khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.
    c, Đối tượng nộp thuế: tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên, trừ trường hợp khai thác tài nguyên đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khai thác tận thu theo quy định của pháp luật về dầu khí.
    • Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên, trừ trường hợp khai thác tài nguyên đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khai thác tận thu theo quy định của pháp luật về dầu khí.
    • Doanh nghiệp liên doanh trong trường hợp doanh nghiệp khai thác tài nguyên được thành lập trên cơ sở liên doanh
    • Theo quy định hợp đồng hợp tác kinh doanh trong trường hợp bên Việt Nam và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh khai thác tài nguyên
    • Tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua trong trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nhỏ, lẻ bán cho tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua và tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua cam kết chấp thuận bằng văn bản về việc kê khai, nộp thuế thay cho tổ chức, cá nhân khai thác.

    2.9. Lệ phí môn bài

    a, Lệ phí môn bài hay thường được gọi là thuế môn bài là khoản thu hàng năm vào các cơ sở kinh doanh nhằm kiểm kê, kiểm soát và quản lý các cơ sở kinh doanh.
    b, Mức thu lệ phí môn bài dựa vào số vốn đăng ký (vốn điều lệ; vốn đăng ký) hoặc doanh thu của năm kinh doanh kế trước.
    c, Đối tượng nộp lệ phí: doanh nghiệp, hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp; tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, xã hội, xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang; tổ chức khác hoạt động sản xuất kinh doanh; chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh; cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất kinh doanh
    Trên đây là tổng quan về các loại thuế tại Việt Nam. Hiểu biết rõ ràng về các loại thuế tại Việt Nam và các loại thuế nào có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình là một yêu cầu trọng yếu đối với mỗi cá nhân và doanh nghiệp, điều đó không chỉ giúp cá nhân và doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước một cách chính xác mà còn tối ưu hóa lợi ích kinh tế và pháp lý.
     
    "Cảm ơn bạn rất nhiều vì đã đọc bản tin của chúng tôi"
    • CÔNG TY TNHH SDS CONSULTING Trụ sở chính

      Địa chỉ: Tầng 6, 559 Kim Mã, quận Ba Đình, Tp. Hà Nội

      Chỉ đường CÔNG TY TNHH SDS CONSULTING
    • CÔNG TY TNHH SDS CONSULTING Chi Nhánh Hồ Chí Minh

      Địa chỉ: Tầng 7, Huy Minh Building, Số 7 Lý Tự Trọng, Bến Nghé, Q.1, TP.HCM

      Chỉ đường CÔNG TY TNHH SDS CONSULTING