QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TẠI VIỆT NAM

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TẠI VIỆT NAM

Ngày đăng: 25/02/2025 12:09 AM

    QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦANGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TẠI VIỆT NAM

     

    Trong những năm gần đây, số lượng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là “NLĐNN LVTVN”) có xu hướng ngày càng gia tăng. Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, NLĐNN LVTVN có nghĩa vụ tuân thủ quy định của pháp luật lao động Việt Nam và được pháp luật Việt Nam bảo vệ, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

     

    Sau đây là một số quy định về quyền và nghĩa vụ của người lao động nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam theo quy định của pháp luật lao động.

    1. Khái quát chung về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

    NLĐNN LVTVN là người có quốc tịch nước ngoài và phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 151 Bộ luật Lao động năm 2019 sau đây:

    1. Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
    2. Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc; có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế
    3. Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam;
    4. Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động quy định tại Điều 154 của Bộ luật Lao động năm 2019.

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP, lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam theo các hình thức sau đây:

    1. Thực hiện hợp đồng lao động;
    2. Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp;
    3. Thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và y tế;
    4. Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng;
    5. Chào bán dịch vụ;
    6. Làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;
    7. Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại;
    8. Nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật;
    9. Tham gia thực hiện các gói thầu, dự án tại Việt Nam;
    10. Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam được phép làm việc tại Việt Nam theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

    2. Quyền của người nước ngoài làm việc tại Việt Nam

    NLĐNN LVTVN có các quyền chung của người nước ngoài tại Việt Nam, quyền chung của người lao động làm việc tại Việt Nam và quyền riêng của NLĐNN làm việc tại Việt Nam.

     2.1 Quyền chung của người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam

    Theo quy định của pháp luật cư trú và pháp luật lao động Việt Nam, NLĐNN LVTVN được hưởng những quyền chung của người nước ngoài cư trú nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam, cụ thể như sau:

    1. Được bảo hộ tính mạng, danh dự, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam trong thời gian cư trú trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
    2. Người có thẻ tạm trú được bảo lãnh ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con vào Việt Nam thăm; được bảo lãnh vợ, chồng, con dưới 18 tuổi ở cùng trong thời hạn thẻ tạm trú nếu được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh người đó đồng ý;
    3. Người có thẻ thường trú được bảo lãnh ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con vào Việt Nam thăm;

    Người đang cư trú hợp pháp tại Việt Nam được đi lại trên lãnh thổ Việt Nam, được kết hợp du lịch, thăm người thân, chữa bệnh không phải xin phép; trường hợp vào khu vực cấm hoặc khu vực hạn chế đi lại, cư trú thực hiện theo quy định của pháp luật;…
     

    2.2 NLĐNN LVTVN được hưởng các quyền chung của người lao động

    Với điều kiện tuân thủ các nghĩa vụ của mình, NLĐNN LVTVN được hưởng các quyền và nghĩa vụ tương tự như người lao động mang quốc tịch Việt Nam. Điều này giúp đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa người lao động Việt Nam và NLĐNN LVTVN, đồng thời giúp người sử dụng lao động thuận tiện trong việc quản lý, ban hành cách chính sách, phúc lợi để sử dụng lao động một cách đồng bộ, thống nhất.

    Theo quy định của pháp luật lao động, NLĐNN LVTVN được hưởng các quyền chung của người lao động, cụ thể như sau:

    1. Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
    2. Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;
    3. Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;
    4. Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc;
    5. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
    6. Đình công;
    7. Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

     2.3 NLĐNN LVTVN được hưởng các quyền đặc thù

    Bên cạnh được hưởng các quyền chung dành cho người nước ngoài tại Việt Nam nói chung và người lao động tại Việt Nam nói chung nêu trên, NLĐNN LVTVN có quyền đặc thù về giấy phép lao động. Theo quy định của pháp luật lao động, NLĐNN LVTVN được thực hiện thủ tục cấp giấy phép lao động theo quy định pháp luật. Theo đó, NLĐNN LVTVN được người sử dụng lao động lập hồ sơ  đề nghị cấp giấy phép lao động trong các trường hợp: Thực hiện hợp đồng lao động; Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp; Làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam; Tình nguyện viên; Nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật, Tham gia thực hiện các gói thầu, dự án tại Việt Nam;

    NLĐNN LVTVN được cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam hoặc tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam mà người lao động nước ngoài đến làm việc lập hồ sơ cấp giấy phép lao động trong các trường hợp: Thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và y tế  hoặc Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng;

    Riêng đối với trường hợp người lao động nước ngoài vào Việt Nam để chào bán dịch vụ, người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại, NLĐNN LVTVN cần tự nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc

    Xin lưu ý: Trong các trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động, người lao động có quyền được Người sử dụng lao động thông báo, hoặc làm thủ tục đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động trước ít nhất 10 ngày, kể từ ngày người lao động nước ngoài bắt đầu làm việc.

    3. Nghĩa vụ của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

    NLĐNN LVTVN phải tuân thủ các nghĩa vụ chung của người nước ngoài tại Việt Nam, nghĩa vụ chung của người lao động làm việc tại Việt Nam và quyền riêng của NLĐNN làm việc tại Việt Nam.

    3.1 NLĐNN LVTVN cần tuân thủ nghĩa vụ chung của người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam

    NLĐNN LVTVN có nghĩa vụ tuân thủ nghĩa vụ chung của người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về cư trú, cụ thể như sau:

    1. Tuân thủ pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của Việt Nam;
    2. Hoạt động tại Việt Nam phải phù hợp với mục đích nhập cảnh: mục đích nhập cảnh của NLĐNN LVTVN phải nêu rõ nhập cảnh nhằm mục đích lao động tại Việt Nam.
    3. Khi đi lại phải mang theo hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ liên quan đến cư trú tại Việt Nam và phải xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
    4. NLĐNN LVTVN thường trú nếu xuất cảnh đến thường trú ở nước khác phải nộp lại thẻ thường trú cho đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu.

    3.2 NLĐNN LVTVN cần tuân thủ nghĩa vụ chung của người lao động

    NLĐNN LVTVNnghĩa vụ tuân thủ, thực hiện các nghĩa vụ đối với người lao động theo pháp luật về lao động, pháp luật về thuế, pháp luật về bảo hiểm, cụ thể như sau:

    Thứ nhất, NLĐNN LVTVN cần tuân thủ nghĩa vụ chung của người lao động theo pháp luật lao động, bao gồm các nghĩa vụ sau:

    1. Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác;
    2. Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động;
    3. Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.

    Thứ hai, NLĐNN LVTVN có nghĩa vụ đóng BHXH bắt buộc theo pháp luật về bảo hiểm. Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 143/2018/NĐ-CP, người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam sẽ đóng BHXH bắt buộc tại Việt Nam nếu thuộc đối tượng sau:

    1. Có giấy phép lao động và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam
    2. Có chứng chỉ hành nghề và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam
    3. Có giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.

    Cần lưu ý rằng, NLĐNN LVTVN không cần tham gia BHXH bắt buộc nếu không thuộc các trường hợp nêu trên và/hoặc thuộc 1 trong các trường hợp: (1) NLĐNN LVTVN di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp; (2) NLĐNN LVTVN đã đủ tuổi nghỉ hưu.

    Thứ ba, NLĐNN LVTVN có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, người lao động nước ngoài tại Việt Nam có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định pháp luật về thuế trong cả hai trường hợp: có cư trú và không cư trú tại VN. Cụ thể như sau:

    1. Đối với NLĐNN LVTVN có cư trú tại Việt Nam, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.
    2. Đối với NLĐNN LVTVN không cư trú tại Việt Nam, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.
       

    3.3 Nghĩa vụ riêng của NLĐNN LVTVN

    Bên cạnh các nghĩa vụ chung của người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam và nghĩa vụ chung dành cho người lao động, NLĐNN LVTVN có nghĩa vụ về giấy phép lao động, bao gồm nghĩa vụ đề nghị cấp giấy phép lao động (đối với các trường hợp không thuộc trường hợp người sử dụng lao động, xuất trình giấy phép lao động. Theo đó, theo quy định của Bộ luật Lao động, người lao động nước ngoài (người có quốc tịch nước ngoài) làm việc tại Việt Nam phải có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ các trường hợp sau đây:

    1. Là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn theo quy định của Chính phủ.
    2. Là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn theo quy định của Chính phủ.
    3. Là Trưởng văn phòng đại diện, dự án hoặc chịu trách nhiệm chính về hoạt động của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.
    4. Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ.
    5. Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để xử lý sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được.
    6. Là luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của Luật Luật sư.
    7. Trường hợp theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
    8. Người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
    9. Trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.

    Trong trường hợp NLĐNN LVTVN thuộc các đối tượng Người lao động nước ngoài vào Việt Nam để chào bán dịch vụ, người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại, NLĐNN LVTVN có nghĩa vụ nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc trước ít nhất 15 ngày, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc tại Việt Nam.

    Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hợp NLĐNN LVTVN phải xuất trình giấy phép lao động. NLĐNN LVTVN không có giấy phép lao động sẽ bị buộc xuất cảnh hoặc trục xuất theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

    Trên đây là tổng quan các quyền và nghĩa vụ của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Việc hiểu rõ các quyền và nghĩa vụ của mình sẽ góp phần giúp người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thực hiện, bảo đảm các quyền và nghĩa vụ của mình một cách có hiệu quả, đồng thời giúp các doanh nghiệp quản lý, thực hiện các nghĩa vụ đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam một cách hiệu quả, tuân thủ quy định của pháp luật.

     

    "Cảm ơn bạn rất nhiều vì đã đọc bản tin của chúng tôi"

    • CÔNG TY TNHH SDS CONSULTING Trụ sở chính

      Địa chỉ: Tầng 6, 559 Kim Mã, quận Ba Đình, Tp. Hà Nội

      Chỉ đường CÔNG TY TNHH SDS CONSULTING
    • CÔNG TY TNHH SDS CONSULTING Chi Nhánh Hồ Chí Minh

      Địa chỉ: Tầng 7, Huy Minh Building, Số 7 Lý Tự Trọng, Bến Nghé, Q.1, TP.HCM

      Chỉ đường CÔNG TY TNHH SDS CONSULTING