Những lưu ý đối với thủ tục phá sản doanh nghiệp

Những lưu ý đối với thủ tục phá sản doanh nghiệp

Ngày đăng: 03/09/2024 03:15 PM

    Phá sản là hệ quả tất yếu đối với những doanh nghiệp/hợp tác xã không đủ năng lực sau quá trình kinh doanh, cạnh tranh và đào thải của nền kinh tế thị trường. Hiện tượng này không chỉ đánh dấu sự chấm dứt hoạt động của chủ thể kinh doanh mà còn có khả năng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều chủ thể có liên quan như chủ nợ, người lao động,… Do đó, hoạt động phá sản cần phải tuân thủ khuôn khổ pháp lý nhất định để thực hiện một cách hài hòa, đảm bảo lợi ích của các bên cũng như nguyên tắc của nền kinh tế thị trường. Về khía cạnh luật pháp, hiện nay tồn tại hệ thống quy phạm pháp luật quy định và hướng dẫn chi tiết các vấn đề xoay quanh hoạt động phá sản, như điều kiện, trình tự, thủ tục để thực hiện phá sản,… Trong đó, nhóm quy định về thủ tục phá sản là nội dung cơ bản của hệ thống quy định pháp luật này bởi vì đây là hoạt động trọng tâm cần thực hiện khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán.

    1. Khái quát chung về phá sản doanh nghiệp

     Khái niệm phá sản

    Theo khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014, khái niệm “phá sản” được quy định như sau:

    “Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.[1]

    Trong đó, tình trạng mất khả năng thanh toán được hiểu là tình trạng “doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán”[2]

    Khái niệm thủ tục phá sản

    Hiện nay, pháp luật không có quy định cụ thể về định nghĩa “thủ tục phá sản”. Thực tế thì để thực hiện bất kỳ hoạt động nào đều cần phải tuân theo trình tự các bước nhất định; hoạt động phá sản doanh nghiệp cũng tương tự, do đó, thủ tục phá sản là tổng hợp các bước mà doanh nghiệp cần thực hiện theo trình tự nhất định để thanh toán các khoản nợ đến hạn trong trường hợp bị mất khả năng thanh toán.

    2. Thủ tục phá sản doanh nghiệp theo quy định của pháp luật

    Thẩm quyền giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp

    Theo quy định tại Điều 8 Luật Phá sản năm 2014, thông thường, thẩm quyền giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp là của Tòa án nhân dân cấp huyện đối với yêu cầu của doanh nghiệp có trụ sở chính tại địa phương đó.

    Tuy nhiên, đối với một số vụ việc đặc biệt như doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, doanh nghiệp phá sản có chi nhánh, văn phòng hoặc bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau hoặc vụ việc có tính chất phức tạp.

    Các yếu tố để xác định tính chất phức tạp của vụ việc có thể kể đến như: số lượng lao động (có trên 300 lao động trở lên), số vốn điều lệ (100.000.000.000 trở lên), đặc điểm doanh nghiệp (tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài),…[3].

    Trình tự giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp

    Theo quy định tại Luật Phá sản năm 2014 và các văn bản hướng dẫn, yêu cầu phá sản doanh nghiệp được giải quyết theo trình tự thủ tục sau:

    Bước 1: Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

    Phá sản chỉ được Tòa án xem xét giải quyết trên cơ sở có yêu cầu mở thủ tục phá sản của chủ thể có quyền yêu cầu. Trường hợp không chủ thể có quyền nào nộp đơn thì doanh nghiệp mất khả năng thanh toán buộc phải thực hiện nghĩa vụ này.

    Các chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản bao gồm: chủ nợ; người lao động hoặc tổ chức công đoàn; hoặc cổ đông, nhóm cổ đông của công ty cổ phần[4].

    Đối với mỗi chủ thể có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản thì thành phần hồ sơ theo yêu cầu của pháp luật sẽ khác nhau, nhưng đều bao gồm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (với các nội dung chủ yếu là (i) Thời gian làm đơn; (ii) Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết; (iii) Tên, địa chỉ người làm đơn và doanh nghiệp bị yêu cầu mở thủ tục phá sản; (iv) Căn cứ yêu cầu mở thủ tục phá sản, như khoản nợ đến hạn, tiền lương nợ người lao động,…) và chứng cứ chứng minh cho căn cứ yêu cầu mở thủ tục phá sản[5]. Các chứng cứ chứng minh thường bao gồm báo cáo tài chính; báo cáo thống kê về tài sản còn lại; thông tin về các chủ nợ, người mắc nợ của doanh nghiệp,…

    Đơn yêu cầu phá sản được nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến trụ sở Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết yêu cầu phá sản[6].

    -  Bước 2: Thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

    Sau khi nhận được hồ sơ yêu cầu mở thủ tục phá sản, cơ quan Tòa án sẽ tiến hành xử lý hồ sơ[7] và yêu cầu người nộp đơn nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản[8] (trừ một số trường hợp ngoại lệ như khi chủ thể nộp đơn là người lao động hoặc doanh nghiệp mất khả năng thanh toán không còn tiền và tài sản).

    Sau khi xử lý và nhận được biên lai hoàn thành các nghĩa vụ tài chính nêu trên từ người nộp đơn, Tòa án tiến hành thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (đối với trường hợp không cần thực hiện nghĩa vụ tài chính thì thời điểm thụ lý được tính là ngày Tòa án nhận đơn yêu cầu)[9] và thông báo cho người nộp đơn, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và các cơ quan, tổ chức có liên quan[10].

    Bước 3: Mở thủ tục giải quyết yêu cầu phá sản

    Theo quy định, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thẩm phán phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản và gửi đến người nộp đơn, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và các cơ quan, tổ chức có liên quan[11]. Trong thực tế, khoảng thời gian từ khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu đến thời điểm ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản thường kéo dài hơn thời hạn luật định nêu trên bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

    Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán tiến hành chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản để giám sát hoạt động của doanh nghiệp[12].

    Bước 4: Tổ chức hội nghị chủ nợ

    Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản, chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản[13]. Đồng thời, trong thời gian này, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán cần tiến hành kiểm kê tài sản và xác định giá tài sản[14].

    Sau khi tiến hành xong việc kiểm kê tài sản và lập danh sách chủ nợ, Thẩm phán sẽ tiến hành triệu tập hội nghị chủ nợ trong vòng 20 ngày từ ngày kết thúc hoạt động cuối cùng trong hai hoạt động trên[15]. Nghị quyết của hội nghị chủ nợ có nội dung liên quan đến hoạt động tiếp theo của quá trình giải quyết yêu cầu phá sản, theo một trong ba hướng: (i) Đề nghị đình chỉ giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản; (ii) Đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; hoặc (iii) Đề nghị tuyên bố phá sản doanh nghiệp[16].

    Trường hợp hội nghị chủ nợ ra kết luận áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông qua nghị quyết Hội nghị chủ nợ, doanh nghiệp phải xây dựng Phương án phục hồi hoạt động kinh doanh. Nội dung của Phương án bảo gồm các biện pháp để khắc phục hoạt động kinh doanh, như huy động vốn, giảm nợ,…; các điều kiện, thời hạn và kế hoạch thanh toán các khoản nợ[17].

    Sau khi Phương án khôi phục hoạt động kinh doanh được thông qua tại Hội nghị chủ nợ và được công nhân bởi Tòa án, doanh nghiệp tiến hành thực hiện Phương án dưới sự giám sát của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, và chủ nợ.

    Trường hợp hội nghị chủ nợ ra kết luận đề nghị Tòa án tuyên bố phá sản doanh nghiệp thì tiếp tục tiến hành thủ tục tại bước 5 dưới đây.

    Bước 5: Tuyên bố phá sản doanh nghiệp

    Tuyên bố phá sản doanh nghiệp là hoạt động của Tòa án, thực hiện trong các trường hợp: (i) Hội nghị chủ nợ không thành; (ii) Hội nghị chủ nợ kết luận đề nghị tuyên bố phá sản doanh nghiệp; (iii) Doanh nghiệp phục hồi hoạt động kinh doanh không thành theo Điều 95, 96 Luật Phá sản năm 2014.

    Quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản của Tòa án có hiệu lực kể từ ngày ban hành và được gửi đến người nộp đơn cùng các cơ quan Nhà nước có liên quan như Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan thuế,…

    Bước 6: Thi hành quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp

    Theo quy định, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án, bao gồm các hoạt động như yêu cầu quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tiến hành định giá và thanh lý tài sản.

    Việc phân chia tài sản sau khi có tuyên bố phá sản được phân chia theo thứ tự ưu tiên sau: (i) Chi phí phá sản; (ii) Nghĩa vụ tài chính với người lao động; (iii) Khoản nợ phát sinh nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh; và (iv) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước và các khoản nợ khác.

    Sau khi thực hiện hết các nghĩa vụ tài chính nêu trên, nếu như doanh nghiệp vẫn còn tài sản thì phần tài sản đó sẽ thuộc các thành viên của doanh nghiệp. 

    Trình tự giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp trong một số trường hợp đặc biệt

    Bên cạnh thủ tục chung nêu trên, trong một số trường hợp đặc biệt như giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn hay yêu cầu phá sản có yếu tố nước ngoài, thủ tục giải quyết có một số điểm khác biệt đặc trưng.

    * Trình tự giải quyết yêu cầu phá sản rút gọn [18]

    Đối với doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, đồng thời không còn tiền, tài sản khác để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chí phí phá sản hoặc thanh toán chi phí phá sản thì Tòa án nhân dân có thầm quyền tiến hành giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn và thông báo cho người yêu cầu, doanh nghiệp cùng các chủ thể có liên quan.

    Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo, Tòa án nhân dân xem xét, tuyên bố doanh nghiệp phá sản, bỏ qua các thủ tục như triệu tập hội nghị chủ nợ hay phục hồi doanh nghiệp vì doanh nghiệp hầu như không còn khả năng hoạt động nên các thủ tục trên không có ý nghĩa thực tế cho việc giải quyết phá sản doanh nghiệp.

    * Trình tự giải quyết yêu cầu phá sản có yếu tố nước ngoài [19]

    Với những vụ việc phá sản doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài (có chủ đầu tư là tổ chức, cá nhân nước ngoài; có đại diện theo pháp luật là người nước ngoài hoặc có chủ nợ, con nợ là tổ chức, cá nhân nước ngoài), đòi hỏi phải được xử lý theo thủ tục có một số điểm khác biệt so với thủ tục thông thường.

    Thứ nhất, về ủy thác tư pháp. Trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản có yếu tố nước ngoài, Tòa án nhân dân có thể thực hiện ủy thác tư pháp theo hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại nhằm hỗ trợ việc giải quyết phá sản.

    Thứ hai, về thủ tục công nhận và cho thi hành quyết định giải quyết phá sản của Tòa án nước ngoài. Việc công nhận và cho thi hành các quyết định được thực hiện theo quy định của hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam là thành viên và quy định pháp luật khác về tương trợ tư pháp.

    Một số quốc gia mà Việt Nam đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự, thương mại, như Pháp, Nga, Indonesia, Cuba,…

    Một số bất cập trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản doanh nghiệp

    Mặc dù Luật Phá sản năm 2014 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục các hạn chế trong quá trình thực thi Luật Phá sản năm 2004, nhưng vẫn còn nhiều bất cập trong thực tiễn thực hiện thủ tục phá sản doanh nghiệp. Điển hình nhất là tình trạng kéo dài thời gian giải quyết thủ tục phá sản gấp nhiều lần so với thời hạn mà pháp luật quy định, thậm chí có những vụ việc phá sản kéo dài hàng năm trời. Bên cạnh đó, hiệu quả giải quyết phá sản còn chưa cao khi mà mới chỉ thực hiện thủ tục một cách đối phó với tỷ lệ thu hồi nợ rất thấp.

    Những bất cập trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, là sự phức tạp và tốn kém thời gian, công sức do nhiều thủ tục mang tính hình thức, rườm rà bởi chính bản thân quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa chặt chẽ. Thứ hai, bản thân doanh nghiệp mất khả năng thanh toán né tránh việc thực hiện thủ tục phá sản vì không muốn bị “phân chia tài sản” cũng như mất uy tín, danh dự do quan niệm ảnh hưởng xấu của hoạt động phá sản. Thứ ba, cơ quan Tòa án và các cơ quan nhà nước có liên quan chưa đủ năng lực và nhân lực để đáp ứng kịp thời và đầy đủ yêu cầu giải quyết phá sản doanh nghiệp, khiến cho hoạt động này diễn ra một cách chậm chạp và thiếu hiệu quả.

    Một số vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý về thủ tục phá sản

    Trước những bất cập trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản nêu trên, bên cạnh những khó khăn xuất phát từ bản thân quy định pháp luật, còn có những bất cập nằm trong công tác áp dụng pháp luật mà doanh nghiệp có thể áp dụng một số lưu ý sau đây để phòng tránh, giúp quá trình thực hiện thủ tục phá sản thuận lợi hơn.

    Thứ nhất, về hồ sơ yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người nộp đơn là doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Trường hợp này, các tài liệu mà doanh nghiệp cần gửi kèm theo đơn yêu cầu bao gồm[20]:

    1. Báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó giải trình nguyên nhân và hoàn cảnh liên quan đến tình trạng mất khả năng thanh toán; báo cáo tài chính được tổ chức kiểm toán độc lập xác nhận đối với doanh nghiệp là công ty cổ phần mà pháp luật yêu cầu phải được kiểm toán;

    2. Báo cáo về các biện pháp mà doanh nghiệp đã thực hiện, nhưng vẫn không khắc phục được tình trạng mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn;

    3. Bảng kê chi tiết tài sản của doanh nghiệp và địa điểm nơi có tài sản nhìn thấy được;

    4. Danh sách các chủ nợ của doanh nghiệp, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ của các chủ nợ; ngân hàng mà chủ nợ có tài khoản; các khoản nợ đến hạn có bảo đảm và không có bảo đảm; các khoản nợ chưa đến hạn có bảo đảm và không có bảo đảm;

    5. Danh sách những người mắc nợ của doanh nghiệp, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ của họ; ngân hàng mà họ có tài khoản; các khoản nợ đến hạn có bảo đảm và không có bảo đảm; các khoản nợ chưa đến hạn có bảo đảm và không có bảo đảm;

    6. Danh sách ghi rõ tên, địa chỉ của các thành viên, nếu doanh nghiệp mắc nợ là một công ty có các thành viên liên đới chịu trách nhiệm về những khoản nợ của doanh nghiệp;

    7. Những tài liệu khác mà Toà án yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp theo quy định của pháp luật.

    Thứ hai, về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản. Khi đó, doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh, nhưng phải chịu sự giám sát của Thẩm phán và Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

    Thứ ba, các hoạt động doanh nghiệp bị cấm thực hiện sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản. Theo Điều 48 Luật Phá sản năm 2014, doanh nghiệp không được thực hiện các hoạt động như: (i) Cất giấu, tẩu tán, tặng cho tài sản; (ii) Thanh toán khoản nợ không có bảo đảm, trừ khoản nợ không có bảo đảm phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản và trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp; (iii) Từ bỏ quyền đòi nợ; (iv) Chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tài sản của doanh nghiệp. Các giao dịch trên, nếu thực hiện, sẽ bị coi là vô hiệu.

    Thứ tư, về quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Theo quy định của pháp luật, quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là cá nhân, tổ chức hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản[21].

    Đây là chủ thể đóng vai trò giám sát toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp từ thời điểm mở thủ tục phá sản, đồng thời thực hiện các hoạt động như xác minh tình trạng doanh nghiệp, kiểm kê và bảo quản tài sản,… Mặc dù quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản do Thẩm phán chỉ định, nhưng doanh nghiệp có thể đề xuất lựa chọn với tư cách là chủ thể nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Quyền đề xuất này tạo cơ hội cho doanh nghiệp lựa chọn được cá nhân, tổ chức hành nghề có đầy đủ năng lực, trình độ, trách nhiệm, nhằm giúp quá trình thực hiện thủ tục phá sản diễn ra thuận lợi hơn.

    Như vậy, phá sản doanh nghiệp cần được thực hiện theo trình tự, thủ tục luật định để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ thể có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp như các chủ nợ, người lao động, thành viên doanh nghiệp,… Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp có thể phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc rút lui khỏi thị trường một cách êm đẹp, do đó, doanh nghiệp cần nghiêm túc thực hiện, đặc biệt là giai đoạn thực hiện các phương án phục hồi kinh doanh để đạt được kết quả tốt nhất có thể.

     

    [1]Trong phạm vi bài viết chỉ xem xét hoạt động phá sản của doanh nghiệp, không xem xét đối tượng hợp tác xã.

    [2]Khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014

    [3]Điều 3 Nghị quyết 03/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn quy định của Luật phá sản do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành.

    [4]Điều 5 Luật Phá sản năm 2014

    [5]Điều 26, 27, 28, 29 Luật Phá sản năm 2014

    [6]Điều 30 Luật Phá sản năm 2014

    [7]Điều 32 Luật Phá sản năm 2014

    [8]Điều 38 Luật Phá sản năm 2014

    [9]Điều 39 Luật Phá sản năm 2014

    [10]Điều 40 Luật Phá sản năm 2014

    [11]Điều 42 Luật Phá sản năm 2014

    [12]Điều 45 Luật Phá sản năm 2014

    [13]Điều 66 Luật Phá sản năm 2014

    [14]Điều 65 Luật Phá sản năm 2014

    [15]Điều 75 Luật Phá sản năm 2014

    [16]Điều 83 Luật Phá sản năm 2014

    [17]Điều 87, 88 Luật Phá sản năm 2014

    [18]Điều 105 Luật Phá sản năm 2014

    [19]Chương XI Luật Phá sản năm 2014

    [20]Theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, tại 
    https://toaan.hanoi.gov.vn/huong-dan-thu-tuc?p_p_id=1_WAR_portaltthcportlet&p_p_lifecycle=0&p_p_state=normal&p_p_mode=view&p_p_col_id=column-1&p_p_col_count=1&_1_WAR_portaltthcportlet_id=13682&_1_WAR_portaltthcportlet_coQuan=2902&_1_WAR_
    portaltthcportlet_mvcPath=%2Fhtml%2Fportlet%2Ftthc%2F%2Fthutuc_detail.jsp&_1_WAR_portaltthcportlet_
    linhVuc=5133
     , truy cập ngày 29/3/2023.

    [21]Khoản 7, 8 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014

     

    "Mọi trao đổi và thắc mắc xin vui lòng liên hệ cho công ty chúng tôi."

    SDS CONSULTING CO.,LTD

    DIRECTOR

    TA HUONG LY

    • CÔNG TY TNHH SDS CONSULTING Trụ sở chính

      Địa chỉ: Tầng 6, 559 Kim Mã, quận Ba Đình, Tp. Hà Nội

      Chỉ đường CÔNG TY TNHH SDS CONSULTING
    • CÔNG TY TNHH SDS CONSULTING Chi Nhánh Hồ Chí Minh

      Địa chỉ: Tầng 7, Huy Minh Building, Số 7 Lý Tự Trọng, Bến Nghé, Q.1, TP.HCM

      Chỉ đường CÔNG TY TNHH SDS CONSULTING