Trong giao dịch dân sự nói chung và giao dịch thương mại nói riêng, khi xác lập hợp đồng, các bên kỳ vọng rằng mỗi bên sẽ tự giác thực hiện đầy đủ các điều kiện, điều khoản đã ký kết. Tuy nhiên, trên thực tế, vì những lý do chủ quan hoặc khách quan mà hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng vẫn xảy ra và các bên trong hợp đồng luôn phải đối mặt với rủi ro, hậu quả từ các hành vi vi phạm hợp đồng đó. Do vậy, để phòng ngừa hành vi vi phạm, bảo đảm thực hiện hợp đồng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên trong trường hợp xảy ra vi phạm, pháp luật đã quy định chế tài xử lý hành vi vi phạm hợp đồng trong lĩnh vực thương mại. Cụ thể, Luật Thương mại năm 2005 đã quy định các chế tài trong thương mại tại Điều 292, trong đó, khoản 2 Điều này ghi nhận phạt vi phạm là một trong các chế tài trong thương mại.
Điều 300 Luật Thương mại (LTM) năm 2005 quy định: “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này.”
Từ quy định trên cùng các quy định khác có liên quan, các cá nhân, tổ chức cần lưu ý một số điểm về điều khoản phạt vi phạm trong hợp đồng thương mại như sau:
1. Căn cứ áp dụng phạt vi phạm
Thứ nhất, hợp đồng phải có hiệu lực.
Hợp đồng có hiệu lực pháp luật là cơ sở phát sinh các quyền và nghĩa vụ tương ứng giữa các bên và là căn cứ quan trọng để xác định hành vi vi phạm. Khi hợp đồng đã hình thành nhưng bị vô hiệu toàn bộ thì không làm phát sinh nghĩa vụ pháp lý ràng buộc các bên với nhau và vì vậy, không có hành vi vi phạm hợp đồng. Do đó, phạt vi phạm trong hợp đồng thương mại chỉ xảy ra khi hợp đồng có hiệu lực pháp luật.
Thứ hai, có hành vi vi phạm hợp đồng.
Hành vi vi phạm hợp đồng là căn cứ pháp lý cần thiết để áp dụng đối với tất cả các hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng trong đó có phạt vi phạm hợp đồng. Hành vi vi phạm hợp đồng là xử sự không phù hợp của một hoặc các bên tham gia quan hệ hợp đồng so với các nghĩa vụ theo hợp đồng.
Khoản 12 Điều 3 LTM năm 2005 giải thích: “Vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng hoặc theo quy định của Luật này”. Do đó, khi xem xét một hành vi có vi phạm hợp đồng thương mại hay không, trong thực tiễn, cần đối chiếu giữa thực tế thực hiện hợp đồng với các cam kết trong hợp đồng hoặc với quy định của pháp luật. Hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các điều khoản đã giao kết được coi là hành vi vi phạm hợp đồng. Ngoài việc vi phạm các điều khoản trong hợp đồng, có trường hợp có những điều khoản tuy các bên không thỏa thuận nhưng pháp luật có quy định, như vậy nếu các bên không tuân thủ thì cũng coi như có hành vi vi phạm hợp đồng.
Thứ ba, có lỗi của bên vi phạm.
Theo quy định cụ thể của LTM năm 2005 thì yếu tố lỗi không được xác định trực tiếp là một căn cứ của chế tài do vi phạm hợp đồng nói chung và chế tài phạt vi phạm hợp đồng nói riêng. Tuy nhiên, khi áp dụng chế tài phạt vi phạm hợp đồng hay các hình thức chế tài thương mại khác, lỗi vẫn được áp dụng theo nguyên tắc lỗi suy đoán, theo đó LTM năm 2005 thể hiện nội dung này thông qua việc quy định các trường hợp miễn trách nhiệm tại Điều 294. Trong trường hợp bên vi phạm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ hợp đồng mà không chứng minh được sự miễn trách nhiệm theo quy định tại điều luật này thì sẽ được coi là có lỗi.
2. Điều kiện áp dụng
Điều kiện để áp dụng chế tài phạt vi phạm đó là khi “trong hợp đồng có thỏa thuận”. Như vậy, đây là điều kiện bắt buộc để có thể áp dụng chế tài phạt vi phạm hợp đồng trong thương mại. Một thỏa thuận phạt vi phạm thường bao gồm một số nội dung như mức phạt vi phạm, loại vi phạm bị áp dụng, các trường hợp miễn giảm...
Hiện nay, cụm từ “trong hợp đồng có thỏa thuận” được hưởng theo hai hướng: một là, trong hợp đồng thương mại bắt buộc phải có thỏa thuận về điều khoản phạt vi phạm khi các bên tiến hành giao kết hợp đồng; hai là, điều khoản về phạt vi phạm do các bên thỏa thuận không bắt buộc phải có trong hợp đồng lúc các bên tiến hành giao kết hợp đồng mà hoàn toàn có thể bổ sung hoặc quy định thêm điều khoản này sau khi đã đã ký kết hợp đồng (tại phụ lục hợp đồng, hợp đồng con,…) và khi đó điều khoản này vẫn có hiệu lực.
Do đó, trên thực tế khi soạn thảo hợp đồng, các bên khi giao kết hợp đồng thương mại có thể linh hoạt trong việc thỏa thuận về điều khoản phạt vi phạm. Tuy nhiên, các bên nên quy định sẵn về điều khoản phạt vi phạm khi tiến hành giao kết hợp đồng, vừa đề ngăn ngừa, răn đe cũng như nâng cao tính tự giác thực hiện nghĩa vụ của mình trong quan hệ giao kết hợp đồng thương mại.
3. Mức phạt vi phạm
Đối với LTM năm 2005, mức phạt vi phạm được quy định tại Điều 301, theo đó, “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này.” Trường hợp ngoại lệ duy nhất quy định trong LTM là mức phạt đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định có kết quả sai do lỗi vô ý của mình không được vượt quá mười lần thù lao dịch vụ giám định tại Điều 266.
Từ quy định trên cần lưu ý rằng, mức phạt vi phạm không có mối liên hệ với mức thiệt hại, nói cách khác, chỉ cần có hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng thì trong trường hợp hành vi vi phạm đó không gây ra thiệt hại, bên vi phạm vẫn phải chịu mức phạt vi phạm theo thỏa thuận. Mức phạt vi phạm có thể cao hơn hoặc thấp hơn mức thiệt hại thực tế và trực tiếp.
Đối với LTM năm 2005, mức phạt vi phạm bị hạn chế ở mức không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm. Mức phạt vi phạm theo LTM năm 2005 về cơ bản tính trên giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng hoặc phần hợp đồng bị vi phạm, mà không phải tính trên giá trị hợp đồng. Trong nhiều trường hợp, giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng hoặc phần hợp đồng bị vi phạm khác với giá trị hợp đồng. Cụ thể, nếu vi phạm của bên vi phạm liên quan đến toàn bộ giao dịch thì giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng hoặc phần hợp đồng bị vi phạm bằng với giá trị hợp đồng. Trong khi đó, nếu vi phạm của bên vi phạm chỉ liên quan đến một phần của hợp đồng, giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng hoặc phần hợp đồng bị vi phạm thấp hơn giá trị hợp đồng. Vì vậy, khi các bên tiến hành giao kết hợp đồng, cần lưu ý ghi đúng theo luật định, mức phạt vi phạm dựa trên giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm.
Trong trường hợp trong hợp đồng hai bên thỏa thuận mức phạt vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, ví dụ: hai bên thỏa thuận mức phạt là 30% hoặc 80%... thì hậu quả pháp lý đó là phần vượt hơn mức 8% sẽ bị tuyên bố vô hiệu. Tòa án sẽ chỉ áp dụng mức phạt từ 8% trở xuống để giải quyết yêu cầu phạt vi phạm cho bên bị vi phạm. Vì vậy, trên thực tế, trong hợp đồng thương mại, các bên trong hợp đồng có thể quy định tự do về mức phạt vi phạm, tuy nhiên cần lưu ý nếu có tranh chấp thực tế phát sinh, mức phạt tối đa mà các cơ quan tài phán áp dụng cũng chỉ là mức phạt không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm.
Ngoài ra, trên thực tế có trường hợp các bên tham gia quan hệ hợp đồng thương mại có thỏa thuận áp dụng phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng về mức phạt là bao nhiêu. Đối với trường hợp này khi tranh chấp xảy ra, thường rất khó để xử lý. Hiện nay, có hai luồng quan điểm: một, phụ thuộc vào quyết định của cơ quan tài phán xong rất khó để cơ quan tài phán có thể đưa ra một mức phạt cụ thể làm thỏa mãn ý chí của cả hai bên; hai, tuyên bố điều khoản phạt vi phạt vô hiệu song nếu tuyên vô hiệu thì cơ quan tài phán sẽ gặp khó khăn trong việc tìm căn cứ để tuyên bố vô hiệu điều khoản này. Vì vậy, khi các bên tham gia giao kết hợp đồng nên quy định một mức phạt cụ thể.
4. Các trường hợp miễn trách nhiệm khi có hành vi vi phạm
LTM năm 2005 quy định các trường hợp miễn trách nhiệm chịu phạt vi phạm hợp đồng của bên vi phạm được chiếu theo Điều 294, theo đó bao gồm các trường hợp:
(i) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận;
(ii) Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
(iii) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
(iv) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Song, LTM năm 2005 và các văn bản hướng dẫn LTM năm 2005 không quy định cụ thể hay hướng dẫn rõ ràng cách hiểu và cách áp dụng các trường hợp quy định tại Điều 294 nêu trên.
Vì vậy, khi các bên muốn áp dụng điều khoản này, các bên có thể dẫn chiếu sang các quy định cụ thể có liên quan tại BLDS năm 2015 bởi căn cứ để bên vi phạm không phải trả khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng đối với bên bị vi phạm giữa BLDS năm 2015 và LTM năm 2005 về cơ bản là giống nhau.
Phạt vi phạm là một hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng ra đời nhằm mục đích giúp các bên biết được chính xác phần nghĩa vụ của mình phải chịu khi vi phạm hợp đồng, từ đó tạo nên tính răn đe nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm hợp đồng và tránh được mâu thuẫn hay tranh chấp có thể phát sinh nếu hợp đồng bị vi phạm. Vì những lợi ích mà điều khoản phạt vi phạm mang lại, các cá nhân, tổ chức khi áp dụng điều khoản này cần có cái hiểu đúng đắn để đạt được lợi ích tối đa khi áp dụng.
Mọi trao đổi và thắc mắc vui lòng liên lạc tới Công ty Chúng Tôi.
SDS CONSULTING CO.,LTD
DIRECTOR
TA HUONG LY